Thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế trực thu đánh trên thu nhập do cá nhân kiếm được và ngày càng trở nên một bộ phận quan trọng trong các khoản thu ngân sách tại Việt Nam. Vậy bạn đã biết rõ được những đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay chưa? Pháp luật quy định như thế nào về mức đóng thuế thu nhập của từng cá nhân? Mời bạn đọc hãy cùng luật sư Cần Thơ Luật Khôi Luân tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là ai theo quy định pháp luật?
Thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, do đó, khoản thu này sẽ công bằng với mọi đối tượng trong, góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội.
Những đối tượng nộp thuế được quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung 2012, 2014) như sau:
– Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Cá nhân cư trú là gì?
– Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Cá nhân không cư trú là gì?
– Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
Căn cứ Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Để tính được số thuế phải nộp cần phải tính được thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:
(1) Thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ [1]
Trong đó,
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn [2]
(2) Thuế suất
Thuế suất từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được áp dụng theo lũy tiến từng phần, gồm 07 bậc thuế:
- Bậc 1: 5%;
- Bậc 2: 10%;
- Bậc 3: 15%;
- Bậc 4: 20%;
- Bậc 5: 25%;
- Bậc 6: 30%;
- Bậc 7: 35%.
Theo đó, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo, khuyến học).
Khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thuế thu nhập cá nhân.
Nói cách khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.
Theo Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thu nhập tính thuế và thuế suất. Trong đó, thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được. Hay nói cách khác, cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Mức thuế phải nộp được tính như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x 3%
Theo khoản 4 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:
- Xác định số thuế khi chuyển nhượng vốn góp
Thuế thu nhập cá nhân = 20% x Thu nhập tính thuế
- Xác định số thuế khi chuyển nhượng chứng khoán
Thuế thu nhập cá nhân = 0,1% x Thu nhập tính thuế
Lưu ý: Thu nhập tính thuế được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Theo đó, đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Theo khoản 5 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức sau:
Thuế thu nhập cá nhân = 2% x Giá chuyển nhượng
Lưu ý:
- Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
- Không phải tất cả các trường hợp chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân trúng thưởng có giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Lưu ý: Thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng.
Ví dụ: Trúng thưởng 100 triệu đồng, thì thu nhập tính thuế là 90 triệu đồng.
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:
Thuế thu nhập cá nhân = 10% x Thu nhập tính thuế
Thu nhập chịu thuế gồm:
- Thu nhập từ trúng thưởng xổ số;
- Thu nhập khi trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;
- Thu nhập khi trúng thưởng trong các hình thức cá cược;
- Thu nhập khi trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
[còn tiếp] mời bạn đọc theo dõi ở bài viết sau.
nguồn: luatvietnam.vn, sưu tầm