Ép người khác ký giấy vay nợ có thể phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Đe dọa ép người khác ký giấy vay nợ là một hình thức chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Cùng văn phòng luật sư Cần Thơ Luật Khôi Luân tìm hiểu về vấn đề này.

Ép người khác viết giấy vay tiền, có thể phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Vay tiền là một trong các giao dịch dân sự phổ biến hiện nay, theo đó, việc vay tiền phải xuất phát từ sự tự nguyện của các bên chủ thể tham gia giao dịch. Do đó, người nào uy hiếp, đe dọa để ép người khác vay một khoản tiền khống sau đó đòi nợ, lấy lãi được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

Các đối tượng thường đe dọa dùng vũ lực, đe dọa tinh thần hoặc thậm chí dùng vũ lực để ép người khác ký giấy vay nợ một khoản tiền khống sau đó dùng giấy tờ này để đòi nợ và chiếm đoạt tiền. Hành vi này cũng là hành vi khách quan trong cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể, khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 Như vậy, người nào thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực để uy hiếp, ép người khác vay tiền nhằm chiếm đoạt có thể bị xử lý hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản.

Ảnh minh họa

Người ép viết giấy vay tiền bị xử lý thế nào?

Như đã phân tích ở trên, hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần để ép người khác viết giấy vay nợ nhằm chiếm đoạt tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản. Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 04 khung hình phạt chính với Tội này như sau:

Khung

Mức phạt

Hành vi

01

Phạt tù từ 01 - 05 năm

- Đe dọa sẽ dùng vũ lực; hoặc

- Có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản

02

Phạt tù từ 03 - 10 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tái phạm nguy hiểm.

 

03

Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 

04

Phạt tù từ 12 - 20 năm 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp có hành vi phạm tội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người ép người khác vay tiền có thể bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng (theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021).

Bị ép ký giấy vay tiền có cần phải trả nợ không?

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự;

- Các bên tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong giao dịch cho vay tiền, việc các bên tự nguyện thực hiện giao dịch là điều kiện quan trọng để giao dịch có hiệu lực. Điều này có nghĩa, nếu giao dịch vay tiền chỉ xuất phát từ một bên, bên còn lại thực hiện do bị ép buộc thì giao dịch sẽ bị vô hiệu. Điều này cũng được ghi nhận tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Khi đó:

- Trường hợp các bên đã giao nhận tiền vay thì hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên bị ép ký giấy vay tiền sẽ trả lại đúng số tiền đã nhận cho bên cho vay, bên cho vay không được đòi thêm khoản lãi vay.

- Trường hợp bên cho vay ép bên vay ký giấy vay tiền nhưng đây chỉ là một khoản tiền khống, không có thật thì bên vay không có nghĩa vụ phải trả, tuy nhiên bên vay cần chứng minh việc ký giấy vay là do ép buộc, đồng thời số tiền vay nêu trong giấy vay tiền chỉ là số tiền khống.

Trường hợp này nếu xét thấy có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra để truy tố, xét xử người có hành vi ép ký giấy vay nợ để chiếm đoạt tiền.

Nguồn: luatvietnam.vn