Ép người khác từ chối nhận di sản thừa kế bị xử lý thế nào?

Hiện nay tranh chấp di sản thừa kế là một trong những tranh chấp phổ biến nhất. Đặc biệt, có nhiều trường hợp ép người khác từ chối nhận di sản. Vậy trường hợp đó sẽ bị xử lý thế nào? Cùng luật sư Cần Thơ Luật Khôi Luân tìm hiểu về vấn đề này.

Có bị phạt khi ép người khác từ chối nhận di sản thừa kế?

Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền từ chối nhận di sản thừa kế của người thừa kế như sau:

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Như vậy, khi không muốn nhận di sản thừa kế, người thừa kế hoàn toàn có quyền từ chối nhưng mục đích từ chối không phải để trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình với người khác.

Đặc biệt, thời điểm từ chối nhận di sản phải trước khi phân chia di sản và việc từ chối này phải được lập thành văn bản, gửi đến những người liên quan gồm: Người quản lý di sản, các đồng thừa kế khác, người phân chia di sản thừa kế.

Ảnh minh họa

Như vậy, có thể thấy, nếu việc từ chối nhận di sản không phải để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản với người khác thì quyền từ chối di sản là quyền của người thừa kế mà không ai có thể ép buộc hay ngăn cản. Nếu vi phạm có thể phải bị xử lý bằng các hình thức như sau:

- Không được quyền hưởng di sản: Theo điểm c khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự, người nào bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần/toàn bộ di sản của người đó thì sẽ không được hưởng di sản trừ trường hợp người để lại di sản đã biết nhưng vẫn cho hưởng theo di chúc.

Đồng nghĩa, nếu một người thừa kế ép người thừa kế khác từ chối nhận di sản để bản thân được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản mà người này lẽ ra được hưởng, đã bị kết án về hành vi này thì sẽ không được hưởng thừa kế trừ trường hợp người để lại di sản vẫn cho hưởng theo di chúc.

- Bị xử phạt hành chính: Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu người nào dùng thủ đoạn gan dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng.

- Chịu trách nhiệm hình sự: Nếu tính chất vụ việc nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất đến 20 năm tù.

Như vậy, tuỳ vào tính chất, hành vi... của việc ép người khác từ chối nhận di sản thừa kế mà người vi phạm có thể không được hưởng di sản thừa kế, bị phạt hành chính hoặc phải ngồi tù.

Có được huỷ việc từ chối nhận di sản thừa kế không?

Quy định về từ chối nhận di sản thừa kế được nêu tại Điều 620 Bộ luật Dân sự. Theo đó, việc từ chối nhận di sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Không được từ chối nhận di sản thừa kế để trốn tránh nghĩa vụ tài sản với người khác.

- Khi từ chối phải lập thành văn bản, gửi đến người quản lý di sản, người thừa kế khác, người phân chia di sản để biết.

- Chỉ từ chối trước thời điểm phân chia di sản.

Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên thì việc từ chối sẽ có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, nếu vi phạm một trong các điều kiện nêu trên, việc từ chối nhận di sản sẽ không có hiệu lực, người từ chối hoàn toàn có quyền tiếp tục thực hiện phân chia di sản thừa kế.

Đồng thời, thời điểm từ chối phải thực hiện trước khi phân chia di sản nên dù trước đó người thừa kế đã lập Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế thì vẫn có quyền đổi ý, lập Văn bản huỷ Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế trước thời điểm phân chia di sản.

Nói tóm lại, khi đã từ chối, người thừa kế hoàn toàn có quyền thay đổi ý định và tiếp tục tham gia phân chia di sản thừa kế nếu người này đổi ý trước thời điểm phân chia di sản.

Nguồn: luatvietnam.vn