Sàn Busstrade bị tố cáo chiếm đoạt tiền của hơn 400 người

Hàng chục người đứng tràn vỉa hè bên ngoài trụ sở Phòng Cảnh sát Hình sự để chờ vào tố cáo bị sàn giao dịch tài chính Busstrade chiếm đoạt tiền.

Bên trong phòng tiếp dân của Phòng Cảnh sát Hình sự, đám đông khác nháo nhác hỏi nhau quy trình đưa đơn, ngày 10/5. Có người đại diện nộp tường trình thay cho hơn 10 người khác.

Nhiều cán bộ được tăng cường để ổn định trật tự, hướng dẫn người dân và viết biên bản xác nhận.

Đến quá trưa, hàng chục người khác từ các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Bình Dương tìm đến. Họ thẫn thờ nhìn nhau, gương mặt đầy vẻ hoang mang.

Là người đầu tiên nộp đơn tố cáo mất 500 triệu đồng, anh Hải Thanh (ngụ quận 9) cho biết sàn giao dịch tài chính Busstrade không thể truy cập từ ngày 7/5.

Số lượng nhà đầu tư như anh Thanh lên đến 14.000 người ở nhiều tỉnh thành, với tổng số tiền tự thống kê lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Sàn Busstrade bị tố cáo chiếm đoạt tiền của hơn 400 người-1

Người dân chờ đến lượt trình báo bị Busstrade chiếm đoạt tiền, chiều 10/5.

Tháng 3/2020, Busstrade xuất hiện trên mạng với lời quảng cáo là sàn giao dịch tài chính quốc tế, thành lập và cấp phép ở Anh. Sàn kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào theo cách quy đổi 24.500 đồng được 1 USDT (gọi là USD điện tử).

Có 4 gói đầu tư, tương đương số vốn 100-1.000-2.000-5.000 USDT. Busstrade cam kết lợi nhuận trung bình 30% một tháng.

Tương tự Coolcat, sàn Busstrade quảng cáo bảo hiểm 100% vốn đầu tư.

Tuy nhiên, người chơi không phải làm gì, thậm chí không cần online, Busstrade đã lập trình để tài khoản tự động copy theo lệnh giao dịch của một chuyên gia (người này hiện mất liên lạc).

"Mỗi sáng, chỉ việc vào sàn kiểm tra xem hôm qua chuyên gia đánh thắng hay thua, tiền mình lời theo bao nhiêu, không phải suy nghĩ giao dịch làm gì", anh Thanh kể. Mỗi tuần có 5 phiên giao dịch, nếu chuyên gia thua (dẫn đến tài khoản tự động trừ vốn) thì bảo hiểm sẽ hoàn đủ số tiền thua.

Vào mỗi chủ nhật và thứ hai, nhà đầu tư phải đóng tiền mua bảo hiểm tương đương 2%/gói đầu tư (8% mỗi tháng).

Chuyển tiền mua xong, họ báo mã ID của mình vào nhóm chat Telegram để đội ngũ Busstrade cập nhật. Nếu lỡ quên đóng bảo hiểm, tài khoản sẽ dừng tự động copy giao dịch chuyên gia.

Busstrade không có ứng dụng trên App Store nên những người sử dụng điện thoại iPhone phải truy cập qua trang Busstrade.com. Với những người dùng điện thoại Android, họ có thêm lựa chọn tải app trên CH Play về cài.

Trong đơn trình báo cảnh sát, người chơi cho biết, hôm 23/4, sàn thông báo đóng để bảo trì, nâng cấp lên phiên bản 3 với nhiều tính năng mới. Một số thành viên điều hành Busstrade có dấu hiệu khó liên lạc, nhiều nhóm chat bỗng nhiên giải tán.

Đến ngày 5/5, sàn mở lại nhưng yêu cầu chuyển đổi tiền USDT trong tài khoản sang một loại tiền số mang tên Btoken.

Cách thức quy đổi là 10 USDT "ăn" 1 Btoken, phí đổi 10%. Ví dụ, người chơi có 1.000 USDT sẽ đổi được 90 Btoken (sau khi quy đổi và trừ phí). Số Btoken này có thể đem giao dịch trên sàn tiền số mang tên Coinsbit.io với giá 0,014 USD/1 Btoken.

Đến ngày 7/5, tất cả web, app và các nhóm chat của Busstrade đều không truy cập được. Đội ngũ điều hành sàn không thể liên lạc.

Theo anh Thanh, hồi giữa tháng 4 Coolcat sập, anh và nhiều nhà đầu tư khác thấy "gờn gợn" nhưng đội ngũ điều hành Busstrade trấn an "sàn giao dịch của mình khác biệt với các sàn khác nên không thể sập". "Có một lần họ đền tài khoản cho chúng tôi khi giao dịch thua nên chúng tôi rất tin tưởng. Không ai quan tâm đến Coolcat và cuối cùng sự việc như bây giờ", anh Thanh nói.

Sàn Busstrade bị tố cáo chiếm đoạt tiền của hơn 400 người-2

Busstrade quảng cáo kêu gọi nhà đầu tư hồi tháng 3/2020.

Đứng chờ đến lượt nộp đơn, chị Phương Hồng (ngụ quận Bình Thạnh) kể đã theo dõi Busstrade từ tháng 11/2020, đến tháng 1 năm nay mới tham gia. Đầu tháng 3, chị dồn hết 1,6 tỷ đồng vào Busstrade và rủ thêm 2 người bạn chơi với khoản đầu tư 500 triệu đồng.

"Chúng tôi không mù quáng, không phải là không biết gì. Lợi nhuận 1%-2% mỗi ngày thì không lạ với những người có kiến thức về đầu tư tài chính trực tuyến. Mục đích Busstrade mở ra để lừa đảo nên mới dẫn đến tình huống này, chứ nếu sàn thật có đội ngũ chuyên gia thật thì không thể xảy ra chuyện sập sàn", chị Hồng nói.

Tương tự, chị Lâm Uyên (ngụ quận 8) nộp vào Busstrade 2,5 tỷ đồng mượn của bạn bè, người thân và vay lãi nặng. Chị tính đầu tư một, hai tháng là rút ngay vì cũng nhận thấy mô hình khá rủi ro. "Giờ tôi phải tạm lánh khỏi nhà vì bị chủ nợ tìm", chị ngậm ngùi.

Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM cho biết trong 3 ngày qua đã tiếp nhận khoảng 400 người nộp đơn tố cáo bị Busstrade chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Số người đến trình báo dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới, nên cơ quan điều tra khuyến cáo những người ở xa có thể gửi đơn qua chuyển phát nhanh, trong đó cần in sao kê ngân hàng những lần nộp tiền cho Busstrade.

Theo luật sư Phan Huy Thái Nguyên (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP HCM), về bản chất, hoạt động của Busstrade không khác nhiều với các mô hình đa cấp biến tướng khác.

Thời gian đầu người tham gia sẽ được trả tiền thưởng, lãi và các lợi ích khác đúng hạn, nhưng sau đó dừng lại, kịch bản ứng dụng, trang web sập diễn ra và nhóm điều hành cao chạy xa bay. Khi đó người tham gia Busstrade chính thức bị mất tiền.

Khác với Coolcat khi nhà đầu tư gần như không có thông tin về người đứng sau, ở bên Busstrade các nhà đầu tư đã tố cáo trong đơn đích danh người được cho là chuyên gia giao dịch và nhiều cộng sự đứng tên các tài khoản ngân hàng nhận tiền đầu tư.

Theo luật sư Nguyên, những người này dùng thủ đoạn gian dối để dụ người dùng nộp tiền rồi chiếm đoạt là có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo: vnexpress.net