Khi có nhà riêng thủ tục tách sổ hộ khẩu tiến hành thế nào?

Khi mua được nhà riêng, cá nhân, hộ gia đình sẽ có nhu cầu tách hộ khẩu ra địa chỉ nhà mới để thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính, học hành của con cái…Vậy các thủ tục tách hộ khẩu khi có nhà riêng là như thế nào? Luật pháp Việt Nam bắt buộc phải tách sổ hộ khẩu khi đã có nhà riêng trong trường hợp nào? Cùng Luật sư đất đai Khôi Luân tìm hiểu về vấn đề này theo bài viết sau:

Có bắt buộc tách hộ khẩu khi có nhà riêng?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Cư trú 2020, từ 01/7/2021, người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 24 cũng quy định một số trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như sau:

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó…

Như vậy, trừ khi chủ cũ, chủ hộ đồng ý cho giữ hộ khẩu tại nơi ở cũ, các trường hợp khác, khi có nhà riêng và chuyển đến sống tại nhà riêng đó sẽ buộc phải đăng ký thường trú tại chỗ ở mới (chuyển hộ khẩu).

Tách hộ khẩu khi có nhà riêng tiến hành thế nào?

Phải đăng ký thường trú tại chỗ ở mới (chuyển hộ khẩu) khi có nhà riêng và chuyển đến nhà riêng sống ngoại trừ khi chủ hộ đồng ý giữ lại hộ khẩu ở nơi ở cũ.

Thủ tục tách hộ khẩu khi có nhà riêng tiến hành như thế nào?

Từ ngày 01/7/20201, thủ tục tách hộ khẩu khi có nhà riêng thực hiện theo quy định tại Luật Cư trú năm 2020. Bản chất, đây chính là thủ tục đăng ký thường trú tại nơi ở mới.

Cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ gồm (khoản 1 Điều 21):

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp (sổ đỏ nhà riêng).

Bước 2: Nộp hồ sơ 

Theo Điều 22 Luật cư trú 2020, người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan công an nơi mình cư trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Giải quyết đăng ký thường trú

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Khi đăng ký thường trú tại nhà mới, sẽ bị xóa đăng ký thường trú tại nơi đăng ký thường trú cũ (theo Điều 24 về các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú).

Theo: luatvietnam.vn