Những trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp?

Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp là việc mà người lao động được cơ quan có thẩm quyền cộng dồn thời gian chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp để tính cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, có một số trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp vì một số nguyên nhân không đúng với quy định của pháp luật. Mời bạn đọc cùng luật sư Cần Thơ Luật Khôi Luân tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây nhé.

Trên thực tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã không bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp cho rất nhiều trường hợp. (Ảnh minh hoạ)

thực tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã không bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp cho rất nhiều trường hợp.

1. Trường hợp coi là hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Hiện nay, thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp được tính bằng tổng thời gian đóng trừ đi thời gian đóng đã được hưởng (01 tháng đã hưởng trợ cấp = 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp).

Trường hợp người lao động chưa hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng tính toán thời gian bảo lưu mà không cho kết quả dương thì người lao động cũng được coi như đã hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ví dụ, người lao động đóng bảo hiểm được 12 tháng được giải quyết hưởng 03 tháng trợ cấp nhưng người này mới hưởng được 01 tháng hoặc 02 tháng thì dừng.

Trường hợp này sẽ không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp dù người lao động dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp vì bất kể lý do gì. Bởi tính thời gian bảo lưu theo quy định sẽ cho kết quả là không hoặc kết quả âm.

2. Bị phạt hành chính do vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp

Một số vi phạm phổ biến có thể khiến người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đồng thời không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp có thể kể đến như:

- Lỗi không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm khi có việc làm, thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an, hưởng lương hưu, đi học tập từ đủ 12 tháng trở lên.

- Hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Từ chối việc làm được giới thiệu 2 lần mà không có lý do chính đáng

Theo Điều 54 Luật Việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí trên cơ sở nhu cầu, khả năng của người lao động cũng như nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên nếu sau 02 lần từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm mà không có lý do chính đáng, người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời cũng không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.

Điểm đ khoản 1 Điều 21 Nghị định 28 được sửa bởi Nghị định 61 năm 2020 cũng giải thích về trường hợp từ chối việc làm khi không có lý do chính đang bao gồm:

- Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo hoặc được giới thiệu công việc đã từng làm được ghi trong phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng người này không đến tham gia dự tuyển lao động.
- Người lao động đã tham gia dự tuyển lao động theo sự giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm và được người sử dụng lao động tuyển dụng nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển dụng.

4. 3 tháng liên tục không thông báo tình hình tìm kiếm việc làm

Căn cứ khoản 1 Điều 52 Luật việc làm, trong thời gian hưởng trợ cấp, hằng tháng người lao động đều phải thông báo tình hình tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp.

Tháng nào không đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm, người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp và phải chờ đến tháng sau để đi thông báo và nhận tiếp trợ cấp.

Tuy nhiên, nếu thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động có 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm thì người này sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp.

Cùng với đó, cơ quan bảo hiểm cũng sẽ không bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian chưa hưởng của người lao động.
5. Ra nước ngoài để định cư, đi xuất khẩu lao động
Tại điểm g khoản 1 Điều 22 Nghị định hướng dẫn Luật Việc làm, người lao động ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (còn gọi là đi xuất khẩu lao động) sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Những người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà bị chấm dứt hưởng do định cư nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động đều không thuộc các trường hợp được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.

Không bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp với người vi phạm hành chính. (Ảnh minh hoạ)

Không bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp với người vi phạm hành chính. (Ảnh minh hoạ)

6. Người hưởng lương hưu hằng tháng

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động đạt độ tuổi nghỉ hưu theo quy định đồng thời tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (thường là 20 năm) sẽ được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng.

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà làm thủ tục hưởng lương hưu thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp kể từ ngày đầu tiên tính hưởng lương hưu. Lúc này, dù còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng, người lao động cũng không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa vội làm thủ tục hưởng lương hưu thì người lao động vẫn sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp như bình thường.

7. Người lao động mất

Trường hợp người lao động mất và được cấp giấy chứng tử sẽ là một trong những căn cứ để Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Cùng với việc bị chấm dứt hưởng trợ cấp, trường hợp này cũng không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp do người lao động không còn cơ hội để hưởng tiếp lần sau.

nguồn: luatvietnam.vn