Thế nào là nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền được giữ im lặng trước toàn?

Khi bị tố cáo hoặc cáo buộc một hành vi phạm tội, người bị cáo buộc có quyền được giả định vô tội, trường hợp này còn được gọi là nguyên tắc suy đoán vô tội. Ngoài ra, người bị cáo buộc còn có quyền giữ im lặng trước toà. Nội dung chính của hai vấn đề này được pháp luật quy định như thế nào? Mời bạn đọc hãy xem qua bài viết sau đây cùng với văn phòng luật sư Cần Thơ Luật Khôi Luân để có câu trả lời chi tiết hơn nhé.

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định

Nguyên tắc suy đoán vô tội là gì?

Suy đoán vô tội theo tiếng Anh là “presumption of innocence” hay “the right to be presumed innocent” được hiểu là quyền được giả định vô tội. Theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một hành vi phạm tội vẫn được coi là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được Tòa án rằng bị cáo đã phạm tội.

Ở nước ta hiện nay, nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 như sau:

1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.

3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.

4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Bên cạnh đó, nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đã được thể chế hóa tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Như vậy, khi chưa được chứng minh theo trình tự, thủ tục do luật quy định, chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội phải được coi là người không có tội.

Vì không được coi là người có tội nên các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người có tội, kể cả trường hợp họ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất như tạm giam.

Khi bị bắt quả tang thì ai là người có nghĩa vụ chứng minh vô tội hoặc có tội?

Bên cạnh nguyên tắc suy đoán vô tội, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng đã thể chế hóa một nguyên tắc cơ bản khác vô cùng quan trọng đó là nguyên tắc xác định sự thật của vụ án. Cụ thể tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định:

Xác định sự thật của vụ án

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Như vậy, từ nguyên tắc trên có thể thấy rằng trách nhiệm chứng minh vô tội hay có tội thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Người bị buộc tội hay người phạm tội quả tang có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Người bị tạm giữ có được quyền im lặng khi Cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai không?

Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền chủ động về việc khai báo. Những gì bị can, bị cáo thấy bất lợi cho mình, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự

Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền chủ động về việc khai báo. Những gì bị can, bị cáo thấy bất lợi cho mình, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định nào đề cập cụ thể về quyền im lặng. Tuy nhiên, thông qua các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chúng ta vẫn ghi nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp.

Theo đó, đối với người bị tạm giữ, tại khoản 2 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:

Người bị tạm giữ
...
2. Người bị tạm giữ có quyền:
a) Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
d) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
...

Như vậy, theo quy định trên, người bị tạm giữ có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến nhưng không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

nguồn: thuvienphapluat.vn